Việc xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ – Trung Quốc khiến các doanh nghiệp ngành gỗ Việt có khả năng phải đối mặt với nguy cơ gian lận “nguồn gốc xuất xứ” và “lẩn tránh thuế” thông qua kênh đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ và nhập khẩu nguyên liệu. Mỹ có thể sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát đối với gỗ và đồ gỗ từ Việt Nam.
Ngành gỗ Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng nhiều rủi ro
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu (XK) gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 9/2018 của Việt Nam ước đạt 742 triệu USD, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6,41 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 79,2% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ.
Nhiều cơ hội
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, theo các doanh nghiệp (DN), hiện ngành gỗ vẫn chưa chịu tác động tiêu cực, thậm chí đang đứng trước các cơ hội lớn.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM, cho biết Trung Quốc với khoảng 5.500 nhà sản xuất, giá trị sản xuất ngành đồ gỗ đạt 125 tỷ USD/năm, trong đó đồ gỗ chiếm 64% sản lượng. Trung Quốc bị ảnh hưởng bất lợi bởi cuộc chiến tranh thương mại, cơ hội sẽ san sẻ cho các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, nếu nhu cầu sản xuất ở Trung Quốc giảm, nguồn nguyên liệu và ván nhân tạo xuất sang Việt Nam có khả năng tăng với giá cả dễ chịu hơn.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), sự biến động thể hiện rõ qua lượng khách tới đặt hàng. Khách hàng Mỹ tiếp cận thông tin, tìm DN và đặc biệt họ thích làm với DN Việt Nam nhiều hơn trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Hạnh cho rằng Mỹ là một thị trường khó tính, đòi hỏi về tiêu chuẩn rõ ràng và cách làm việc chuyên nghiệp. Bên cạnh chất lượng sản phẩm, đối tác Mỹ muốn DN Việt Nam phải hiểu văn hóa của họ.
“Đối với cơ hội lớn như vậy, chúng ta cần có liên kết chuỗi, đặc biệt là từ nguyên liệu – hiện nay đang chiếm 45% của giá thành sản phẩm. Các DN chế biến gỗ cần một nguồn nguyên liệu có chất lượng”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Cơ hội lớn nhưng rủi ro sắp tới là không nhỏ. Nếu không cẩn thận, ngành gỗ Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ gian lận “nguồn gốc xuất xứ” và “lẩn tránh thuế” thông qua kênh đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ và nhập khẩu nguyên liệu.
Lắm rủi ro
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc công ty Hiệp Long, cho biết qua chia sẻ với chủ tịch hiệp hội gỗ ở các tỉnh của Trung Quốc, các DN chế biến của nước này đang vô cùng khó khăn do giá nhân công tăng, sản phẩm gỗ đang bị Mỹ áp thuế. Như vậy, buộc các DN chế biến gỗ Trung Quốc phải có sự tính toán để chuyển dịch sản xuất.
Nếu các DN chế biến Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam từ từ, khi đó doanh số XK của Việt Nam tăng dần thì không sao, nhưng nếu họ chuyển dịch ồ ạt vào Việt Nam và XK đi Mỹ, dẫn tới giá trị XK vào Mỹ tăng đột biến, khi đó các DN Mỹ sẽ phát đơn kiện lên Chính phủ Mỹ. Điều này sẽ khiến Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá như trước đây Trung Quốc đã bị áp.
Hơn thế nữa, hiện ở Mỹ đang áp thuế là thuế chống lẩn tránh thuế. Khi Trung Quốc bị đánh thuế, muốn XK vào thị trường Mỹ với hợp đồng có sẵn, có thể họ sẽ qua các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để lấy xuất xứ, xuất qua thị trường Mỹ.
Khi đó, với đạo luật chống lẩn tránh thuế, Mỹ sẽ theo dõi vấn đề này, nếu phát hiện ra DN Việt Nam nào tiếp tay, sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ bị áp đạo luật này với mức thuế tăng từ 10% trở lên, ngành chế biến gỗ sẽ bị thiệt hại cực kỳ lớn. Do vậy, các DN gỗ cần phải có ý thức về việc sử dụng nguyên liệu.
Trước mắt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ gỗ nguyên liệu vào Việt Nam, kiểm soát chứng chỉ rừng bền vững (FSC), đặc biệt là gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Về trung hạn, cần thúc đẩy sản xuất đồ nội thất công nghệ cao gắn với truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ và thúc đẩy các DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với xu hướng chuyển hướng đầu tư của các DN Trung Quốc.
Theo Thời báo Kinh doanh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét