Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Câu chuyện du lịch 4.0 của Thiên Minh Group: Từ đội quân 35 người vật vã cầm bảng đón 1.000 khách/ngày, nghe khách "chửi" như cơm bữa, nay giảm xuống còn 1 người, doanh thu tăng 10 triệu USD

Để giải quyết bài toán đón 1.000 khách/ngày tại Sân bay quốc tế Phuket (Thái Lan), Thiên Minh Group cắt cử một đội gồm 35 người, ngồi trước một tấm bảng lớn, dò từng tên khách và chuyến bay, sau đó liên hệ với lái xe. Chỉ cần một chuyến bay đến muộn, đội này lại phải nhắn tin lại cho tất cả lái xe đón các khách trên chuyến bay đó. Tỷ lệ miss là 5%, tức cứ 1.000 người, có 50 người không được đón. Họ lên TripAdvisor, thậm chí đến cả văn phòng chửi…

Ông Trần Trọng Kiên - Founder kiêm CEO Thiên Minh Group.
- Bối cảnh: Năm 2012, cơ sở Thiên Minh Group tại Thái Lan đón tới 1.000 khách du lịch/ngày tại sân bay Phuket. Đội quân dành cho việc đón khách tại sân bay đã lên tới 35 người, nhưng cách làm thủ công khiến trung bình một ngày, có khoảng 50 khách không được đón. 50 người đó đến chửi ngay ở văn phòng, vào cả TripAdvisor, Facebook chửi Buffalo Tours không ra gì.

- Kế hoạch: Áp dụng công nghệ kết nối thông tin chuyến bay của các hãng hàng không, đồng thời xây dựng hệ thống riêng cho các lái xe, sắm cho mỗi lái xe một máy tính bảng để chủ động nắm thông tin khách hàng.

- Kết quả: Đội quân 35 người giảm xuống chỉ còn 1 người. Tỷ lệ miss giảm xuống còn 0,02%. Thay vì cắt giảm nhân sự, 34 người trong đội ấy được điều chuyển làm nhân viên bán hàng, giúp doanh số công ty tăng 10 triệu USD/năm.

Thiên Minh thời 1.0: 50 khách/ngày không được đón, họ lên thẳng văn phòng chửi, vào Trip Advisor mắng Buffalo Tours không ra gì

Ảnh: RevolutionAdvisors.
Thiên Minh Group tiền thân là Buffalo Tours, được thành lập năm 1994 bởi anh sinh viên y khoa 21 tuổi Trần Trọng Kiên.

Năm 2008, Buffalo Tours "xuất ngoại" lần đầu với Phòng bán hàng đặt tại Australia. Năm 2009, Buffalo Tours tại Lào, Campuchia, Thái Lan cũng được hình thành.

Năm 2012, Buffalo Tours Thái Lan đã đón tới 1.000 khách/ngày tại sân bay Phuket. Lượng khách quá lớn cộng với cách làm việc thủ công bắt đầu nảy sinh vấn đề.

Dịch vụ đón khách tại sân bay nghe thì khá đơn giản, nôm na là tất cả khách đến từ những chuyến bay khác nhau, xuống đến sân bay Phuket (Thái Lan) phải được đón và được đưa về khách sạn.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Buffalo Tours Thái Lan có một nhóm tầm 35 người. Công việc của đội này là ngồi trước một tấm bảng to đùng, dò xem có bao nhiêu khách cần đón thì viết lên bảng. Một người ngồi dưới sẽ gọi điện thoại cho tất cả đội ngũ lái xe, sau khi thông báo thì nhắn tin một lần nữa tới lái xe những thông tin cần thiết gồm tên khách và tên chuyến bay.

Chỉ cần một chuyến bay muộn/delay, cả đội lại phải nhắn tin lại cho tất cả những lái xe đón các khách trên chuyến bay đó.

"Cách làm này rõ ràng không ổn", người đứng đầu Buffalo Tours (nay là Thiên Minh Group) - ông Trần Trọng Kiên nhìn nhận.

"Vấn đề lớn nhất là dịch vụ khách hàng rất tệ. Tỷ lệ khách đến mà không được đón là 5%, tức một ngày trung bình 1.000 người thì có 50 người không được đón. 50 người đó đến chửi ngay ở văn phòng, mắng đủ các thứ trên đời. Họ vào cả TripAdvisor, lên Facebook chửi Buffalo Tours không ra gì".

Sắm cho mỗi lái xe một máy tính bảng, ứng dụng công nghệ kết nối thông tin chuyến bay với lái xe

Ảnh minh họa.
Trước vấn đề của Buffalo Tours Thái Lan, người phụ trách công nghệ thông tin của tập đoàn xin sang công tác 2 tuần để xử lý.

Giải pháp đưa ra là xây dựng một hệ thống kết nối được với data chuyến bay của các hãng hàng không. Song song với đó, sắm cho mỗi lái xe một chiếc máy tính bảng, xây dựng một hệ thống kết nối với lái xe, đồng thời đưa thuật toán tính toán traffic nhằm tối ưu hóa lộ trình từ sân bay tới các thành phố (chức năng cơ bản tương tự như Google Maps hiện nay).

Hệ thống này đồng thời tự động "matching" thông tin khách cần đón và chuyển trực tiếp tới lái xe, thay vì cần người điều phối. Nhờ đó, lái xe nắm được chính xác giờ chuyến bay hạ cánh, tên khách. Họ chỉ cần mang một chiếc máy tính bảng và bảng tên khách để giơ ở sân bay.

Với giải pháp này, đội ngũ lái xe không phải lãng phí thời gian chờ đợi ở sân bay. Kết hợp với thuật toán tính toán và gợi ý lộ trình, một người lái xe trước đây chỉ chạy được 5 chuyến/ngày, nay tăng lên 8 chuyến/ngày.

Chất lượng dịch vụ cải thiện cả trăm lần, doanh thu tăng 10 triệu USD/năm


Bài toán lớn nhất là vấn đề chất lượng dịch vụ, được cải thiện khá tốt. Tỷ lệ miss từ 5% giảm xuống còn 0,02%, tức họa thì vài ngày hay 1 tuần mới có 1 trường hợp miss.

Thêm vào đó, đội quân 35 người không cần ngồi ghi ghi chép chép lên bảng như trước kia, việc điều phối giờ chỉ cần 1 người. 34 người còn lại đi bán tours. Doanh thu của Phuket năm đó tăng thêm 10 triệu USD.

"Trước 35 người đó ở văn phòng chỉ nghe khách chửi, giờ đi bán hàng gần hết. Doanh thu và lợi nhuận tăng lên rất nhiều", CEO Thiên Minh Group chia sẻ.

Kết thúc năm tài chính 2012, doanh thu của Thiên Minh Group đạt khoảng 53 triệu USD, tăng mạnh so với mức hơn 44 triệu USD của năm trước đó. Năm 2017, doanh thu doanh nghiệp đạt 110 triệu USD.
Doanh thu của Thiên Minh Group từ năm 2008 - 2017. Nguồn: TMG.
Ông Kiên cũng không giấu diếm tham vọng muốn tuyển 20 IT Developers để giải quyết hàng trăm bài toán khác ở Thiên Minh.

Ngành du lịch, cách đây 20 - 30 năm còn bị coi là ngành "ăn chơi", chứ không phải ngành kinh tế, thì vài năm gần đây đã được xem là "ngành kinh tế mũi nhọn".

Và những sinh viên học ngành công nghệ, theo ông Kiên, không nên bó hẹp mình trong suy nghĩ "sẽ làm những thứ hay ho" tại các doanh nghiệp công nghệ. Ngành du lịch vốn rất lớn, năng suất lao động thấp, người tham gia không nhiều, chính là ngành có nhiều cơ hội để tăng trưởng và phát triển.

Sau 25 năm hình thành và phát triển, hiện Thiên Minh Group là tập đoàn du lịch với 3 lĩnh vực kinh doanh chính: Du Lịch (điều hành tour & dịch vụ vận tải); Khách sạn (sở hữu và quản lý khách sạn) và Trực Tuyến (website đặt phòng khách sạn trực tuyến iVIVU.com).
Xem thêm các tin tức hữu ích khác tại --> ups-gtec.blogspot.com or elit-ups.online

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Bộ Công Thương: Minh bạch thông tin về cơ chế giá và kết quả kiểm tra thực hiện điều chỉnh giá điện

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về quá trình xây dựng, ban hành và kiểm tra thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện (Quyết định 648/QĐ-BCT). 

Kiểm tra, ghi chỉ số công tơ cho khách hàng
Thực hiện nghiêm quy định pháp luật

Quá trình xây dựng điều chỉnh giá bán điện bình quân đã được Bộ Công Thương căn cứ vào Luật Điện lực, Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, Luật Điện lực ngày 03/12/2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20/11/2012 qui định giá điện được lập trên cơ sở chi phí sản xuất, kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý và báo cáo tài chính được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực. Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng theo khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ qui định.

Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân qui định hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện, điều hành-quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện).

Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020 theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020 được qui định tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh, tối đa là 1.906,42 đồng/kWh.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo các mục tiêu vĩ mô của Chính phủ, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và doanh nghiệp ngành điện, Bộ Công Thương cũng bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá để phối hợp các bên liên quan xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Theo Bộ Công Thương, giá điện được tính dựa trên các thông số đầu vào như sản lượng điện thương phẩm toàn hệ thống năm 2019; việc điều chỉnh tăng giá than, khí bán cho sản xuất điện; điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với than, dầu kể từ ngày 01/01/ 2019 theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường; phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2015 và toàn bộ chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2017 của các nhà máy điện vào năm 2019; giá của các nhiên liệu đầu vào khác như: Giá dầu thế giới (HSFO) để tính giá khí thị trường, giá than nhập khẩu dự báo cho năm 2019 được tính theo dự báo của Ngân hàng thế giới. Và tỷ giá dự báo cho năm 2019 của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam công bố.

Tổng hợp ảnh hưởng của một số yếu tố đầu vào và một số yếu tố khác đã làm tăng chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỷ đồng. Với các thông số đầu vào chính nêu trên, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%. Mức giá này chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỷ đồng) vào năm 2019.

Trên thực tế, nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỷ đồng, khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá là 9,26%.

Như vậy có thể khẳng định, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 đã giảm đi so với thực tế thị trường, đã được nghiên cứu kỹ trên cơ sở đánh giá tác động đến các chỉ số vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương làm việc với Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh
Chủ động kiểm tra, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù thực hiện tốt quy định nhưng sau khi có thông tin phản ánh của người dân về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, Bộ Công Thương đã chủ động thành lập đoàn công tác với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức để kiểm tra, làm rõ việc thực hiện Quyết định điều chỉnh giá điện, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng sử dụng điện.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân: (1) Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; (2) Tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; (3) Kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019.

Số liệu thống kê sản lượng điện thương phẩm theo các đối tượng phụ tải của 5 Tổng Công ty Điện lực cho thấy, tổng điện năng thương phẩm tháng 4 năm 2019 tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 14,23% so với tháng 3 năm 2018, trong đó phụ tải quản lý, tiêu dùng (bao gồm sinh hoạt) tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 21,03% so với tháng 3 năm 2019.

Cũng theo số liệu thống kê của EVN từ phần mềm Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS), trong tháng 4/2019 số lượng khách hàng sinh hoạt có mức tiêu thụ điện dưới 100 kWh và dưới 200 kWh vẫn chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên toàn hệ thống. Cụ thể hộ có mức sử dụng điện sinh hoạt dưới 100 kWh chiếm 31,68%, hộ có mức sử dụng điện sinh hoạt dưới 200 kWh chiếm 68,15%.

Các Tổng công ty/công ty điện lực thuộc EVN đã nghiêm túc thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT và tuân thủ các quy định khác của Nhà nước. Cụ thể đã làm tốt công tác niêm yết công khai giá, công tác ghi chỉ số công tơ, công tác chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện (Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, Thông tư số 16/2014/TT-BCT); công tác tuyên truyền; công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện...

Theo thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ ngày 20/3/2019 đến ngày 04/5/2019, toàn Tập đoàn tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện. Trong đó có 14.541 kiến nghị của khách hàng, chiếm tỷ lệ gần 20% thắc mắc về chỉ số công tơ điện, hoá đơn tiền điện. Các thắc mắc của khách hàng đã được trả lời 100%, và hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.

Đặc biệt, trong thời gian trên, chỉ có 11 bài báo trên các báo mạng và báo in, 8 trường hợp đăng trên Facebook nêu thắc mắc, phản ánh của khách hàng có địa chỉ cụ thể. Các thắc mắc, phản ánh của khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, báo đài đã được đơn vị chủ động liên hệ xử lý, giải thích cặn kẽ, các trường hợp khách hàng thắc mắc đã đồng ý với cách giải quyết của đơn vị.

Kiểm tra việc niêm yết giá điện tại đơn vị Điện lực
Tăng cường quản lý, giám sát

Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện đôn đốc các đơn vị thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 về việc điều chỉnh mức giá bản lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

Cụ thể, sẽ phối hợp với Bộ, nghành liên quan cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí; Chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng; đồng thời khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan, chỉ đạo EVN đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện đến kinh doanh, sản xuất của các khách hàng ngoài sinh hoạt và đời sống nhân dân.

Bộ cũng sẽ chỉ đạo EVN khắc phục một số thiếu sót; nghiên cứu thay đổi thiết kế của hoá đơn tiền điện cho khách hàng sinh hoạt để khách hàng dễ theo dõi kiểm tra, đặc biệt trong tháng có thay đổi giá điện phải áp dụng phương pháp nội suy. Bên cạnh đó triển khai thực hiện lộ trình thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử cho khách hàng sinh hoạt theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc điều chỉnh giá điện; phản ánh chính xác, khách quan; Có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.

Đề nghị Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu tài chính của EVN, thông tin đầy đủ đến các cơ quan báo chí về các chỉ tiêu tài chính, quản lý dòng tiền của EVN theo đúng qui định hiện hành; Khẩn trương thực hiện tái cơ cấu EVN theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước về ngành điện sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các kách hàng điện sinh hoạt hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ; tiếp tục chương trình khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng và phát triển thị trường điện với mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2021 góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập của đất nước.
Nguyên Vũ
Xem thêm các tin tức hữu ích khác tại --> ups-gtec.blogspot.com or elit-ups.online

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

Cảnh báo hình thức tấn công qua email “đòi nợ”, phát tán virus để chiếm máy người dùng

Theo chuyên gia Công ty CyRadar, khi người dùng giải nén file .rar đính kèm email “đòi nợ”, chạy file được giải nén ra cũng đồng nghĩa với việc máy tính của họ đã bị cài mã độc, chiếm quyền điều khiển và hacker có thể tùy ý ra lệnh từ xa như: xóa file, ăn trộm file…

Thư điện tử có đính kèm file nén "Hoa don tien no" có chứa mã độc được gửi tới hộp thư của độc giả N.T.H vào chiều ngày 15/5/2019.
Chiều nay, ngày 15/5/2019, chị N.T.H, một độc giả của ICTnews đã phản ánh thông tin chị và một số nhân viên trong cơ quan mình nhận được 1 thư điện tử từ một người lạ với tiêu đề “Hóa đơn tiền nợ!”, thư có đính kèm tệp định dạng nén “Hoa don tien no”. Do nghi ngờ thư điện tử “đòi nợ” có chứa virus, độc giả này đã không mở file.

Để làm rõ nghi ngờ trên của chị N.T.H, ICTnews đã chuyển thư điện tử tiêu đề “Hóa đơn tiền nợ” đến các chuyên gia của Công ty cổ phần An toàn thông ty CyRadar.

Qua phân tích sơ bộ, chuyên gia Hà Minh Trường của CyRadar đã xác định file đính kèm thư điện tử gửi đến độc giả ICTnews có chứa mã độc. Khi người dùng giải nén file .rar đính kèm thư điện tử “đòi nợ”, sau đó chạy file được giải nén ra thì cũng đồng nghĩa với việc máy tính của người dùng đó đã bị cài mã độc, bị chiếm quyền điều khiển, nhận lệnh từ máy chủ điều khiển từ xa thông qua địa chỉ máy chủ “hxxps://api.ciscofreak[.]com/jZHP”. “Lúc này, hacker có thể tùy ý ra lệnh từ xa cho máy tính của người dùng, ví dụ như xóa file, ăn trộm file…”, chuyên gia Hà Minh Trường cho hay.

Các chuyên gia bảo mật đã nhận định, trong năm 2019, mối đe dọa lớn của người dùng Internet Việt Nam chủ yếu đến từ các mã độc như mã độc mã hóa tống tiền, mã độc xóa dữ liệu, mã độc đào tiền ảo....

Tấn công mạng để phát tán mã độc, chiếm quyền điều khiển máy tính người dùng thông qua hình thức gửi thư điện tử giả mạo có đính kèm file chứa mã độc không phải là hình thức tấn công mới. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có không ít người dùng tại Việt Nam "dính bẫy" của các hacker. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, chuyên gia CyRadar Hà Minh Trường cho rằng: "Chủ yếu là do sự lơ là, mất cảnh giác, do ý thức về bảo mật thông tin của người dùng còn hạn chế, vì thế vẫn có không ít người bị lừa".

Khuyến nghị về cách phòng chống hình thức tấn công mạng bằng mã độc được phát tán qua thư điện tử, chuyên gia CyRadar cho biết, đối với người dùng cá nhân, cần trang bị cho máy tính của mình một phần mềm phòng chống mã độc được cập nhật thường xuyên, đầy đủ.

Bên cạnh đó, khi nhận được những thư điện tử có file đính kèm lạ hoặc được gửi từ các đường link qua ứng dụng chat thì người dùng phải hết sức cẩn thận, tuyệt đối không không bấm vào các file này; đồng thời người dùng cần lưu ý địa chỉ email của người gửi cũng như nội dung của người gửi có liên quan đến công việc của mình hay không? Nếu thư điện tử được từ người lạ thì tuyệt đối không mở.

Chia sẻ thêm về hướng xử lý đối với các trường hợp người dùng đã giải nén và bấm vào file chứa mã độc, chuyên gia CyRadar khuyên: "Việc cần làm hiện tại trong trường hợp máy đã nhiễm mã độc là tạm thời cô lập máy và chuyển bộ phận IT của doanh nghiệp, tổ chức để xử lý; đồng thời cập nhật phần mềm diệt virus, gỡ bỏ mã độc hoặc cài lại máy".

Dự báo về xu hướng tấn công mạng năm 2019, từ cuối năm ngoái, các chuyên gia bảo mật đã nhận định, mối đe dọa lớn của người dùng Internet Việt Nam thời gian tới chủ yếu đến từ mã độc mã hóa tống tiền, mã độc xóa dữ liệu, mã độc đào tiền ảo và tấn công APT. Các loại mã độc này có thể kết hợp nhiều con đường lây nhiễm khác nhau để tăng tối đa khả năng phát tán, trong đó phổ biến nhất là khai thác lỗ hổng phần mềm, hệ điều hành và qua email giả mạo.

Xem thêm các tin tức khác tại --> ups-gtec.blogspot.com or elit-ups.online

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

Chân dung ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy vừa bị bắt tạm giam

Ông Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc công ty Nhật Cường và 8 đồng phạm vừa bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc buôn lậu xuyên quốc gia, giấu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

Ông chủ Nhật Cường Mobile bị cáo buộc cầm đầu đường dây buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

Camera công cộng ở TP.HCM sẽ nhận dạng mặt người

Nhiều camera lắp đặt trên các trục đường ở TP.HCM sẽ có thể nhận dạng mặt người để tìm kiếm khi cần thiết.


TP.HCM hôm 12/5 tổ chức hội nghị công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 các trung tâm thuộc Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025”.

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM cho biết đến nay Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh đã tích hợp được khoảng 1.000 camera từ các nguồn của sở ngành. Các camera này được thiết kế ở những tầng cao, thấp khác nhau nhằm bảo đảm quan sát nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt trong số này có những camera độ phân giải chất lượng có thể nhận diện được mặt người.

Giả sử muốn tìm kiếm một người nào thì hệ thống camera sẽ phát hiện và báo về ban điều hành nếu người đó xuất hiện tại các vị trí camera quan sát được.

Ngoài ra, ông Cường cho biết hệ thống có thể được “dạy” để phát hiện các tình huống tụ tập đông người, phát sinh hành vi bạo lực, sự cố an ninh trật tự, các vấn đề về phương tiện,... từ đó báo cáo về trung tâm để người điều hành có phương án xử lý.

Song song đó, TP.HCM sẽ xây dựng ứng dụng để lãnh đạo thành phố sử dụng, có thể truy cập vào hệ thống để giám sát quá trình xử lý của từng vụ việc.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải xác định các vị trí nhạy cảm để lắp đặt camera. Các camera cần nhận diện được mặt người để bảo đảm an toàn cho thành phố. Ngoài ra, ứng dụng khi được xây dựng phải được phân quyền để tuỳ cấp bậc có thể truy cập được vào mức dữ liệu nào.

Cũng tại Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh mới hình thành, những phản ánh trật tự đô thị, giao thông từ các tổng đài 113-114-115 đã được kết nối để tổng hợp lại thành một đầu mối tiếp nhận, xử lý.

Sắp tới, người dân có thể liên hệ liên ngành chỉ với cổng 1022. Mọi thông tin trật tự xã hội và các vấn đề khác sẽ được phản ánh qua cổng tổng hợp này.

Khi người điều hành trung tâm tiếp nhận các tin báo quan trọng từ người dân thì có thể mở camera để xác định vị trí, tình trạng sự vụ, từ đó đưa ra hướng điều phối, lãnh đạo thành phố có thể giám sát được quá trình xử lý.

Đối với các tin báo của người dân, Thành phố chia làm hay cấp độ khẩn cấp và không khẩn cấp. Đối với tình huống được xác định khẩn cấp thì thông tin sẽ được kết nối ngay đến lãnh đạo thành phố. Từ ứng dụng được xây dựng, lãnh đạo thành phố ngồi đâu cũng truy cập camera và nắm bắt các thông tin phản ánh.

Trong hội nghị này, Thành phố cũng công bố đã vận hành 4 trung tâm phục vụ đô thị thông minh. Trung tâm thứ nhất là Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh thành phố như đã nói trên, triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống 1.000 camera giám sát UBND Quận 1, Quận 12, Phú Nhuận, Gò Vấp và Sở Giao thông Vận tải.

Trung tâm thứ hai là Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố. Kho dữ liệu này đã hoạt động tại Công viên phầm mềm Quang Trung, hiện kết nối dữ liệu từ Cục thuế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch Đầu tư…

Kế đến là trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội đang ghi nhận các chỉ số về kinh tế - xã hội, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6. Cuối cùng là trung tâm An toàn thông tin, được thành lập với mục tiêu bảo vệ an toàn, an ninh mạng cho dữ liệu và kết nối của các cơ quan nhà nước tại TP.HCM. Trung tâm này được phê duyệt thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố, với 51% vốn góp của Nhà nước do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn thành lập.
Xem thêm các tin tức hot khác tại --> ups-gtec.blogspot.com or elit-ups.online

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Giá điện Việt Nam cao hay thấp?

Theo Global Petrol Prices, năm 2018, Việt Nam là một trong những nước có giá điện bình quân thấp của thế giới, chỉ khoảng 0,08 USD/kWh, tương đương 1/2 giá điện bình quân của thế giới.

Giá điện bình quân Việt Nam ở mức thấp
Trong số 93 nước được thống kê, nếu tính từ thấp đến cao, Việt Nam đứng thứ 21 - tức là giá điện của Việt Nam chỉ cao hơn 20 nước nhưng thấp hơn tới 73 nước khác. Những nước có giá điện thấp hơn mặt bằng chung đều có nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt rất lớn.

Thống kê của Bộ Công Thương về giá điện của 25 quốc gia năm 2018, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển như Lào, Philippines, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ thì giá điện của Việt Nam ở mức 0,074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) – cho biết, giá điện điều chỉnh tăng ở mức 8,36% vào tháng 3/2019, mới đạt mức 0,08 USD/kWh, tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù giá điện Việt Nam đã được điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước nhưng cơ chế có độ trễ nhất định, nghĩa là giá bán không phản ánh được chi phí đầu vào sản xuất, dẫn đến khó khăn về tài chính cho ngành điện. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư cho hệ thống nguồn, lưới truyền tải và chi phí khác rất cao.

Ông Franz Gerner - Trưởng nhóm Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - nhận định, mức giá điện bình quân năm 2018 (1.720 đồng/kWh) thấp hơn mức giá mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải bỏ ra để mua điện từ các nguồn trong tương lai, kể cả năng lượng tái tạo và nhiệt điện. Giá điện sinh hoạt, kinh doanh và giá điện công nghiệp bán ra tại Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với các nước có cùng trình độ phát triển (GDP/người) trong khu vực và trên thế giới.

Chuyên gia này còn khuyến nghị, giá điện phải đạt mức 0,143 USD/kwh vào năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh nguồn điện sản xuất rẻ từ thủy điện, than, khí đã bị khai thác tới hạn. Do đó, việc điều chỉnh giá điện tăng 8,36% giúp đưa giá điện về gần hơn chi phí sản xuất, mọi người sử dụng đều có thể chi trả được và đồng thời bảo vệ được người tiêu dùng thu nhập thấp thông qua mạng lưới an sinh sẵn có. Đồng thời, đảm bảo ngành điện phát triển bền vững và cấp điện ổn định.

Cũng theo ông Franz Gerner, Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, nhu cầu về điện tăng trong thời gian tới là tất yếu. Ngoài ra, các nguồn mới như điện gió, điện mặt trời đều có giá thành cao hơn trước đây.

Theo quy hoạch ngành điện, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong các năm tới, cả nước cần tới 60.000MW vào năm 2020, năm 2025 cần 96.500MW và đến năm 2030 là 129.500MW. Để đáp ứng nhu cầu này, mỗi năm, ngành điện cần phải đưa vào vận hành khoảng 3.000 – 4.000MW, nhưng thực tế tiến độ nhiều dự án điện đang bị chậm so với kế hoạch.

Trước nguy cơ thiếu điện trong tương lai, nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết. Đây vừa là công cụ khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển nguồn điện trong tương lai, vừa ngăn chặn thu hút hoặc duy trì những ngành sản xuất tiêu tốn năng lượng ở Việt Nam.

TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã nhiều lần khẳng định cần thay đổi tư duy về ngành điện, nhất là kiểm soát cả nguồn cầu thay vì chạy theo nguồn cung.

Nhằm giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, nhất là trong mùa nắng nóng, doanh nghiệp, người dân cần sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Nguyên Vũ
Xem thêm các tin tưc hot tại --> ups-gtec.blogspot.com or elit-ups.online

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Việt Nam - Hàn Quốc: Đẩy mạnh hợp tác công nghiệp robot và tự động hóa

Chính phủ Việt Nam đặt thứ tự ưu tiên hàng đầu cho ngành công nghiệp robot và tự động hóa thông qua Chiến lược phát triển khoa học và công nghiệp giai đoạn 2011- 2020. Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới với tỷ lệ sử dụng robot trong các ngành công nghiệp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc tìm kiếm và kiến tạo hợp tác kinh doanh thực tiễn trong lĩnh vực này.

Đó là nhận định của các chuyên gia cũng như doanh nghiệp tại Hội thảo xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc trong ngành công nghiệp robot và tự động hóa do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) và Trung tâm hợp tác ASEAN-Hàn Quốc (AKC) tổ chức vào ngày 26/4.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại hội thảo
Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA (sau Nhật Bản), thứ ba về thương mại. Theo số liệu thống kê, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 7.700 dự án với tổng vốn đầu tư 64 tỷ USD; kim ngạch thương mại hai nước năm 2018 đạt 62,6 tỷ USD. Trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015 mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư, đưa kim ngạch thương mại dự kiến lên mức 100 tỷ USD vào năm 2020.

Hiện, Việt Nam đang khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chú trọng chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 và dành ưu tiên hàng đầu cho cuộc cách mạng 4.0. Theo đó, nhu cầu robot và tự động hóa đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam, khi các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ tiên tiến để tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập với nền kinh tế quốc tế.

Kết quả là việc ứng dụng robot trong môi trường công nghiệp của Việt Nam gần đây đã tăng trưởng nhanh chóng. Theo Liên đoàn Robot học quốc tế, vào năm 2017, đã có 8.252 sản phẩm robot được bán tại Việt Nam, vượt qua các nước Singapore (4.500 robot), Thái Lan (3.400 robot) và trở thành thị trường robot lớn thứ 7 trên thế giới.

Mặt khác, Hàn Quốc cũng là một quốc gia sở hữu năng lực cạnh tranh toàn cầu và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực robot và công nghiệp tự động hóa. Đặc biệt, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới với tỷ lệ sử dụng robot trong các ngành công nghiệp. Cụ thể, năm 2017, Hàn Quốc sử dụng 710 robot cho mỗi 10.000 công nhân viên, vượt qua Singapore và đạt kỷ lục mật độ sử dụng robot cao nhất thế giới.

“Mong doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ là những nhà đầu tư đến tìm kiếm đối tác mà sẽ là những nhà đầu tư thực tiễn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước Việt Nam” – Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Lãnh đạo và doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Ông Lee Hyuk - Tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc - cũng kỳ vọng, năng lực công nghệ và kinh nghiệm phong phú của Hàn Quốc nếu được chắp nối tại môi trường công nghiệp của Việt Nam chắc chắn sẽ góp phần lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất Việt Nam.

Tuy nhiên, việc hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp robot và tự động hóa giữa hai nước vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, liên quan đến phương án tài chính hay phát triển công nghiệp hỗ trợ… Ông Kim Do - huyn - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - cho hay, hiện nay, tại Việt Nam đã có sự hiện diện của nhiều tổ chức tài chính, tuy nhiên, chưa có một tổ chức tài chính nào chuyên hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Ngân hàng Công nghiệp IBK là bạn đồng hành của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Mong rằng, thủ tục thành lập tư cách pháp nhân tại Việt Nam của Ngân hàng IBK được triển khai nhanh chóng để IBK có thể tạo lập nền tảng tài chính, thúc đẩy khởi nghiệp, xa hơn nữa là thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với vị trí là ngân hàng chuyên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tiên tại Việt Nam” - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đề xuất.

Bên cạnh đó, mặc dù đã đạt được nhiều bước phát triển trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu sản xuất và linh kiện/phụ tùng vốn là nền tảng để phát triển công nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các nước Đông Nam Á khác. Do đó, hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng lớn nguyên liệu sản xuất và linh kiện, phụ tùng từ nước ngoài. Trên thực tế, đa phần lượng xuất siêu của Hàn Quốc sang Việt Nam cũng bắt nguồn từ đây.

“Hy vọng rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự hội thảo sẽ tìm ra nhiều cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam. Đây sẽ trở thành một nền tảng tìm kiếm, kiến tạo ra các cơ hội kinh doanh thực tiễn giữa Việt Nam và Hàn Quốc” – Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.
Thu Phương - Hoàng Lan
Xem thêm các tin tức mới tại --> ups-gtec.blogspot.com or elit-ups.online